Lịch sử Vương_quốc_Iraq

Độc lập

Iraq được trao trả độc lập chính thức vào năm 1932 theo những thỏa thuận trong hiệp ước được ký kết bởi Vương quốc Anh vào năm 1930, theo đó Vương quốc Anh sẽ chấm dứt quyền ủy trị chính thức của nó trong điều kiện chính phủ Iraq cho phép các cố vấn Anh tham gia vào các công việc của chính phủ, và cho phép các căn cứ của Anh hiện diện tại Iraq cùng với yêu cầu rằng Iraq phải hỗ trợ Anh trong lúc chiến tranh.[1] Sự căng thẳng chính trị cao độ giữa Iraq và Vương quốc Anh vẫn tiếp diễn ngay cả khi họ có được độc lập. Sau khi giành được độc lập vào năm 1932, chính phủ Iraq ngay lập tức tuyên bố rằng Kuwait là một phần lãnh thổ chính thức của Iraq, vì lý do Kuwait đã từng là lãnh thổ của Iraq trong nhiều thế kỷ cho đến khi người Anh tách Kuwait ra khỏi Iraq trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và do đó chính phủ Iraq phát biểu rằng Kuwait là phát minh của Đế quốc Anh.[2]

Sự bất ổn chính trị và đảo chính quân sự, thập niên 1930-1941

Sau khi giành được nền độc lập vào năm 1932, sự căng thẳng về chính trị nảy sinh do sự hiện diện của quân đội Anh ở Iraq, với chính phủ và các chính trị gia của Iraq bị chia làm hai phe, một bên là những chính trị gia thân Anh như Nuri as-Said, họ không chống đối sự hiện diện của người Anh và một bên là những chính trị gia chống Anh như Rashid Ali al-Gaylani, họ yêu cầu xóa bỏ mọi ảnh hưởng của người Anh ở Iraq.[3] Từ năm 1936 đến 1941, năm cuộc đảo chính được thực hiện bởi quân đội Iraq diễn ra mỗi năm chỉ huy bởi các quan chức quân đội cấp cao chống lại chính phủ nhằm tạo áp lực buộc chính phủ phải thực hiện yêu sách của họ.[3]

Chiến tranh Anh-Iraq và sự chiếm đóng lần thứ hai của Anh

Sự kiện đảo chính Iraq năm 1941 đã lật đổ Nuri as-Said và đưa Rashid Ali al-Gaylani lên làm thủ tướng. Tuy nhiên Ali đã không lật đổ nền quân chủ mà lại bổ nhiệm thêm nhiều quan thân cận, và cố gắng giới hạn quyền lực của người Anh quy định trong hiệp ước từ năm 1930.

Vào ngày 30 tháng 4, quân đội Iraq chiếm cứ vùng đất cao phía nam căn cứ không quân Habbaniya. Một phái viên người Iraq được cử đến căn cứ để yêu cầu không có bất kỳ hành động nào, kể cả trên mặt đất và trên không, xuất phát từ căn cứ. Tuy nhiên người Anh từ chối yêu sách và yêu cầu quân đội Iraq phải rời khu vực ngay lập tức. Sau thời điểm tối hậu thư được đưa ra vào những giờ đầu ngày 2 tháng 5 trôi qua, vào lúc 05:00 giời quân đội Anh bắt đầu ném bom quân đội Iraq đang đe dọa căn cứ.

Tình trạng thù địch diễn ra từ 18 tháng 4 đến 30 tháng 5 năm 1941. Sau sự kiện này, người Anh còn chiếm đóng Iraq vài năm nữa.

1941-1958

Sau khi chiến tranh Anh-Iraq kết thúc, Nuri as-Said quay trở lại làm Thủ tướng và kiểm soát nền chính trị của Iraq cho đến khi vương triều bị lật đổ và sự kiện ám sát ông xảy ra vào năm 1958. Nuri as-Said theo đuổi một chính sách thân phương Tây trong khoảng thời gian này.[4]